Số liệu thống kê từ Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, cả nước có trên 18.100 DN mới thành lập với tổng số vốn đăng ký 334.800 tỷ đồng. Ngoài ra, có trên 11.000 số DN quay trở lại hoạt động. Cùng với đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển về Việt Nam với nhiều tên tuổi lớn của lĩnh vực công nghệ trên thế giới.
Khảo sát thị trường cho thấy, năm 2020, nhóm công ty ngành công nghệ thông tin dẫn đầu trong việc mở rộng văn phòng, theo sát sau là ngành hàng tiêu dùng nhanh và sản xuất. Dự báo, năm 2021, nhu cầu thuê văn phòng từ những công ty trong ngành công nghệ thông tin ở mức cao, bao gồm lĩnh vực: FinTech, thương mại điện tử, phát triển phần mềm, trung tâm dữ liệu, trung tâm hỗ trợ khách hàng. Trong ngắn hạn từ 2021 – 2022, thị trường Hà Nội sẽ chiếm ưu thế cả về nguồn cung, tỷ trọng tăng giá thuê văn phòng, đặc biệt trong phân khúc văn phòng hạng A và B.
Kết luận từ việc khảo sát thực tế và phân tích vĩ mô
“Từ những phân tích yếu tố kinh tế vĩ mô, khảo sát thực tế, chúng tôi nhận định nguồn cung văn phòng Hà Nội sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2021. Thị trường sẽ đón thêm khoảng 208.000m2 từ 15 dự án chủ yếu thuộc hạng B đến hết năm 2022” – Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội Hoàng Nguyệt Minh nhận định.
Các chuyên gia cũng phân tích, dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam ngày càng lớn sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho phân khúc văn phòng tại Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn nói chung.
“Có 3 yếu tố mang lại thuận lợi đối với phân khúc văn phòng cho thuê ở Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo, đó là: Kinh tế vĩ mô phục hồi. Giá thuê – công suất thuê gộp ổn định. Sự ứng phó linh hoạt của DN, là động lực thúc đẩy tăng trưởng ổn định của thị trường văn phòng cho thuê, DN đủ tự tin để mở rộng kinh doanh” – bà Hoàng Nguyệt Minh nhìn nhận.